Đăng lúc 10:48:47 ngày 15/09/2022 | Lượt xem 488 | Cỡ chữ
Chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhận định: Dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các biến chủng vi rút mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, tại Việt Nam vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Trong đó, tiêm bao phủ vắc-xin và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân vẫn là những giải pháp quan trọng và cần thiết...
Do vậy, để "xốc" lại tinh thần phòng, chống dịch Covid-19, ngày 12/9 mới đây, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ phát động Chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 với chủ đề "Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh".
Theo đó, tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, để tiếp tục phòng, chống dịch trong tình hình mới, Bộ Y tế kêu gọi các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người dân hãy cùng nhau hành động, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cá nhân, tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: Khẩu trang, khử khuẩn, vắc-xin, thuốc, điều trị, công nghệ, ý thức người dân và các biện pháp khác theo hướng dẫn của cơ quan y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền tại trung ương và địa phương. Đồng thời, Bộ Y tế kêu gọi người dân trên khắp mọi miền của Tổ quốc cùng đoàn kết, chung sức nâng cao ý thức phòng bệnh, thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe của cá nhân, gia đình và toàn thể xã hội...
Trước đó, ngày 25/8/2022 Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 755/CĐ-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch số 1176/KH-BYT ngày 7/9/2022 gửi đến các đơn vị trong và ngoài ngành y tế triển khai Chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới với chủ đề "Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh".
Theo kế hoạch, chiến dịch diễn ra từ ngày 12/9/2022 đến 31/10/2022, với nhiều hoạt động truyền thông tại trung ương và địa phương. Trong đó, Bộ Y tế sẽ phối hợp với nhiều tổ chức, đơn vị và các đối tác để triển khai nhiều nội dung hoạt động truyền thông phong phú và hiện đại trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến (Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube, Lotus...) hướng đến tất cả các nhóm đối tượng trong cộng đồng xã hội.
Bộ Y tế mong muốn thông điệp phòng, chống dịch Covid-19 cùng với các biện pháp hữu hiệu: Khẩu trang, khử khuẩn, vắc-xin, thuốc, điều trị, công nghệ, ý thức người dân và các biện pháp khác sẽ được cộng đồng đón nhận và lan tỏa trên toàn quốc.
Các hoạt động lan tỏa chiến dịch bao gồm: Thay ảnh đại diện trên Facebook và Zalo; truyền thông các sản phẩm truyền thông (Infographic, videoSpot, audioSpot, ảnh, tọa đàm...; chụp ảnh cá nhân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đăng trên các nền tảng xã hội; sản xuất và đăng tải chuỗi tin, bài, phóng sự, chương trình giao lưu trực tuyến, tọa đàm truyền hình về cập nhật tình hình dịch bệnh, các khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, có lợi cho sức khỏe và lan tỏa trên tất cả hệ thống truyền thông y tế, các kênh mạng xã hội phổ biến; hưởng ứng cuộc thi nhảy vũ điệu "Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh" trên nền tảng TikTok; và nhiều hoạt động lan tỏa khác...
Mặc dù Việt Nam đã rất nỗ lực và quyết liệt trong việc bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn dân với tỷ lệ cao và đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, tuy nhiên trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay, sự xuất hiện của các biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh nên số ca nhiễm, tái nhiễm, ca trở nặng có chiều hướng gia tăng, cùng với đó là xuất hiện các ca tử vong do Covid-19 ở một số địa phương, cho thấy nguy cơ cao tái bùng phát dịch trở lại.
Do vậy, việc cần thiết hiện nay là tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, "xốc" lại tinh thần phòng dịch, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông phòng, chống dịch theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế. Đó là tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp, thông điệp phòng dịch là khẩu trang, khử khuẩn, vắc-xin, thuốc, điều trị, công nghệ, ý thức người dân... Qua đó, nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát tốt dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường vai trò và trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong việc huy động sự đồng thuận của người dân thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, nhất là hưởng ứng tích cực việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng trong diện chỉ định...
Nguồn: Baoquangninh.com.vn
Các tin mới hơn:
Các tin cũ hơn: