Truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" - Trụ cột văn hóa của TKV

Đăng lúc 07:41:22 ngày 16/03/2021 | Lượt xem 1462 | Cỡ chữ

Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị được xây dựng trong quá trình phát triển, là bản sắc của doanh nghiệp đó, đồng thời còn phản ánh tình cảm, suy nghĩ và hành động của mọi thành viên; là nền tảng để phát triển bền vững.

Kế thừa và phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” trong xây dựng văn hóa thợ mỏ thời kỳ mới là một nhu cầu tất yếu, có ý nghĩa chính trị sâu sắc trong chiến lược xây dựng Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam phát triển vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng đội ngũ công nhân mỏ Việt Nam phát triển theo đúng tinh thần Nghị quyết 20 Trung ương 6 (Khóa X) của Đảng "Về xây dựng Giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước".

Những người thợ mỏ luôn cùng chí hướng, cùng có chung sự quyết tâm để đạt được mục tiêu chung

Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc, Chủ nhiệm Đề án khoa học “Phát huy truyền thống văn hóa thợ mỏ trong thời kỳ mới” cho rằng truyền thống "Kỷ luật và đồng tâm" là tài sản tinh thần vô giá - văn hóa phi vật thể, nhưng đã có sức mạnh to lớn làm nên lịch sử và tầm vóc của giai cấp công nhân mỏ cũng như cả Vùng mỏ anh hùng. “Kỷ luật” là những quy định xử sự chung của một cộng đồng hoặc một tổ chức xã hội yêu cầu mọi người phải tuân theo nhằm tạo ra sự thống nhất hành động để đạt chất lượng hiệu quả cao.

“Đồng tâm” là những người cùng chí hướng, cùng có chung sự quyết tâm đạt được một mục tiêu. Khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm chúng ta nhất định thắng”, ngay từ cuộc đình công tháng 11/1936 như là một mệnh lệnh, cương lĩnh của thợ mỏ, đã đi vào lịch sử truyền thống như một sự sáng tạo độc đáo, chỉ xuất hiện duy nhất, có một không hai trong lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam. Đó là sự biểu hiện tập trung, đầy đủ nhất về bản chất cách mạng, bản lĩnh đấu tranh đặc sắc về phương thức, phương pháp tập hợp lực lượng tạo nên sức mạnh to lớn, mạnh mẽ của đội ngũ thợ mỏ. Tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm" được người thợ mỏ thể hiện trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, sản xuất như: Trong đấu tranh cách mạng giành độc lập và chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước; trong lao động sản xuất; trong hoạt động xã hội; trong phong trào văn hóa thể thao.

Tiến sĩ Chu Xuân Giao, Viện Nghiên cứu Văn hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhận định: Kỷ luật và đồng tâm là một trong những truyền thống văn hóa có sức mạnh của ngành Than. Đó là giá trị tinh thần đã được tôi luyện của giai cấp vô sản. Kỷ luật và đồng tâm là hai giá trị đang được TKV tuyên truyền mạnh mẽ. Chúng tôi khi đi khảo sát thực tế đã xác nhận được ý nghĩa rộng rãi của giá trị đồng tâm thông qua các quỹ tương trợ giúp đỡ nhau hay quỹ xóa đói giảm nghèo trong nội bộ các công ty; việc chăm lo đời sống cho các gia đình thợ lò bị nạn.

Lãnh đạo Công ty Than Đèo Nai trao quà Tết cho một gia đình công nhân khó khăn

Hiện nay, việc gìn giữ và phát huy truyền thống "Kỷ luật và đồng tâm"của những người thợ mỏ phải gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, đồng thời phải gắn với việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng toàn diện, từ việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đến nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng thực thi nhiệm vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ công nhân mỏ đáp ứng yêu cầu giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

PGS. TS Hoàng Thanh Xuân, Trường Đại học Công đoàn, nhận định: Giá trị cốt lõi của kỷ luật và đồng tâm là một trong những nội dung cơ bản cấu thành văn hóa doanh nghiệp của TKV đã có gần 100 năm nay. Trải qua nhiều giai đoạn khác nhau và trường tồn cùng lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc hun đúc nên người thợ mỏ. Phát huy truyền thống văn hóa của TKV có ý nghĩa hết sức to lớn trong quá trình phát triển và gìn giữ bản sắc văn hóa, khẳng định nên giá trị cốt lõi thương hiệu của thợ mỏ. Truyền thống văn hóa thợ mỏ được hun đúc qua các thời kỳ là tài sản quý của doanh nghiệp, quyết định sự tồn tại và phát triển của TKV đã tạo điều kiện cho tất cả các thành viên nhận ra được những sắc thái riêng mà một tổ chức muốn vươn tới.

Để văn hóa “Kỷ luật và đồng tâm” luôn trở thành trụ cột của văn hóa TKV trong thời kỳ mới, theo ông Đặng Thanh Hải, phải để cho văn hóa “Kỷ luật và đồng tâm” luôn nằm trong ý thức và cả tiềm thức của mọi cán bộ, công nhân qua các thời kỳ. Chính điều này cũng là thể hiện khát khao xây dựng Tập đoàn ngày càng phát triển bền vững hơn nữa. Để văn hóa này tiếp tục là trụ cột, Tập đoàn tiếp tục xây dựng đội ngũ vì văn hóa thợ mỏ chính là con người thợ mỏ, xây dựng hình ảnh người thợ mỏ - người chiến sĩ trong đó lấy tiêu chuẩn “Kỷ luật và đồng tâm” là một trong những tiêu chí quan trọng nhất. Nếu có kỷ luật thì những người thợ mỏ mới hoàn thành nhiệm vụ. Nếu có đồng tâm mới tạo ra năng suất lao động cao trong thời đại công nghiệp 4.0, đặc biệt là khi mà tới đây TKV sẽ tăng cường đầu tư nhiều trang thiết bị và công nghệ hiện đại hơn nữa.

Cán bộ và công nhân ngành Than dâng hương tại Di tích địa điểm khai thác than đầu tiên

Thứ hai là tiếp tục mở rộng liên kết các trường đào tạo nguồn nhân lực của Tập đoàn với các trường cao đẳng, đại học để có đội ngũ lao động đủ kiến thức, trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực hoạt động của ngành, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Có chính sách chăm lo bồi dưỡng cả thể chất và tinh thần cho giai cấp công nhân mỏ ngay từ khi mới tuyển dụng vào học tập. Chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao từ khâu đào tạo trong ngành, trong nước, kết hợp gửi đi đào tạo, thực tập nghiên cứu ở các nước có trình độ khai thác mỏ tiên tiến, hiện đại.

Thêm nữa, TKV cũng có chế độ ưu tiên đãi ngộ đặc biệt với nhân tài để tuyển chọn được những người có đủ trình độ làm chuyển biến mạnh mẽ, thậm chí tạo bước ngoặt cho sự phát triển của ngành. Quan tâm bố trí, luân chuyển, đề bạt bổ nhiệm gắn với quy hoạch bồi dưỡng phát triển nhân tài phải thiết thực, khách quan và công bằng.


Nguồn: (baoquangninh.com.vn)

 

 

 

 

7/10 487 bài đánh giá