Đăng lúc 08:24:10 ngày 03/12/2023 | Lượt xem 786 | Cỡ chữ
Trung tâm thảo luận số 6 do bà Thái Thu Xương (giữa ảnh) - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Lao động Việt Nam - dự và chỉ đạo; ông Nguyễn Minh Dũng (trái ảnh) - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng ban Tài chính Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm tổ trưởng; ông Vàng A Lả - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sơn La làm tổ phó.
Tham gia thảo luận tại Trung tâm số 6, bà Nguyễn Thị Minh - Phó Chủ tịch Công đoàn TKV cho biết, theo quy định, thợ mỏ được nghỉ hưu sớm hơn 10 tuổi so với lao động làm việc trong điều kiện bình thường. Đến năm 2028, lao động mỏ được nghỉ hưu ở tuổi 52.
Thực tế, nếu muốn nghỉ ở tuổi 52 mà không bị trừ % tham gia bảo hiểm xã hội thì họ phải đi làm từ năm 17 tuổi. Trong khi đó, số lao động làm việc khai thác than trong hầm lò của TKV nếu muốn được nghỉ hưu ở tuổi 52 thì đều không có cơ hội đạt được mức lương hưu tối đa 75% vì không đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định 35 năm vì 17 tuổi còn chưa học xong cấp 3.
Tham gia thảo luận, bà Trần Thị Hồng Vân - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam cũng góp ý với nội dung nâng cao chất lượng đội ngũ chủ tịch của CĐCS doanh nghiệp.
Bà Vân cho hay, trên thực tế nhiều nhiệm vụ tại công đoàn cơ sở rất khó để quán xuyến hết. Với vai trò là cán bộ công đoàn không chuyên trách, bà Vân cho biết cũng đã phải nỗ lực rất nhiều.
"Để vừa làm tốt công việc chuyên môn vừa thực hiện công việc công đoàn, hoàn thành công việc chuyên môn là điều kiện tiên quyết đối với cán bộ công đoàn cơ sở, vì nếu không làm được việc chuyên môn thì không thể làm việc của công đoàn" - bà Vân nói.
Theo Luật Công đoàn Việt Nam 2012 và theo Điều lệ Công đoàn hiện nay thì gần 100% cán bộ công đoàn tại cơ sở là kiêm nhiệm, nhất là công ty vốn tư nhân, FDI.
Và tại Điều 24 luật Công đoàn 2012: ‘‘Cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc trong một tháng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở’’.
Từ thực tiễn làm việc tại công ty nước ngoài trong một môi trường công nghiệp, bà Vân chia sẻ, tác phong làm việc tuân thủ nghiêm ngặt giờ giấc, thời gian được tính từng giây, từng phút. Thật sự phải có tâm huyết thì mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ công đoàn.
"Nhưng với 24 giờ/tháng làm việc thì không đủ" - bà Vân khẳng định.
Để Chủ tịch công đoàn cơ sở có thể đánh đổi, dám đấu tranh vì lợi ích của người lao động thì chỉ có thể là tiềm lực kinh tế. Vì vậy, bà Vân đề nghị Đại hội cần có quyết sách, xây dựng tạo nguồn kinh phí thực sự có thể thu hút đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt.
"Nhằm tăng tính chủ động chăm lo cho tập thể người lao động kịp thời tại cơ sở, theo tôi cần quan tâm thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ công đoàn cơ sở, đặc biệt tại các khu vực ngoài Nhà nước quan hệ lao động phức tạp, tập trung đông công nhân. Chế độ chính sách này hoặc là từ tổ chức công đoàn, hoặc là từ chuyên môn trên cơ sở phối hợp bằng văn bản giữa chuyên môn và công đoàn" - bà Vân nêu.
Kết luận thảo luận, bà Thái Thu Xương nhận định, những ý kiến kiến nghị, đề xuất của các đại biểu hết sức tâm huyết, mang những nỗi niềm của đoàn viên, người lao động để Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam tiếp thu, chỉnh sửa. Bà Thái Thu Xương cho hay sẽ ghi nhận tất cả ý kiến đóng góp, có báo cáo, tiếp thu, giải trình.
Nguồn: lao dong.vn
Các tin mới hơn:
Các tin cũ hơn: