Công ty tham dự Hội nghị thường niên Hiệp hội Cảng biển Việt Nam

Đăng lúc 09:42:09 ngày 25/09/2023 | Lượt xem 749 | Cỡ chữ

Từ ngày 20 - 22/9/2023, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) tổ chức hội nghị thường niên năm 2023, đánh giá các mặt công tác và đề ra phương hướng hoạt động năm 2023, tại thành phố biển Vũng Tàu. Đoàn đại biểu của Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả do đồng chí Trần Văn Quảng - Giám đốc, đ/c Bùi Văn Tuấn - Nguyên Giám đốc Công ty, thành viên BCH Hiệp hội làm trưởng đoàn, cùng các đ/c Bùi Minh Hiếu, Đinh Trung Kiên - Phó giám đốc Công ty, các đồng chí trong Ban An ninh cảng biển, Ban khoa học công nghệ Công ty và một số CBCNV có thành tích tiêu biểu xuất sắc năm 2022.

Đoàn đại biểu Công ty Kho vận và cảng CP tham dự hiệp hội thường niên VPA năm 2023 tại Vũng Tàu

Hiệp hội Cảng biển Việt Nam được thành lập từ năm 1994. Đến nay, qua 29 năm thành lập, hiệp hội đã có 81 thành viên là các cảng biển trải dài ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó, những cảng lớn tại Việt Nam đều là thành viên của hiệp hội. Hiệp hội đang có hai thành viên Ban chấp hành đảm nhận vai trò Chủ tịch và Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á- APA, nhiệm kỳ 2023-2024.

Hội nghị năm nay do cảng Đồng Nai (thuộc công ty Cổ phần Cảng Đồng Nai - PDN) đăng cai tổ chức với chủ đề “Phát huy tối đa tiềm năng, vươn tới những thành tựu mới về kinh tế biển trong giai đoạn mới”. Tham dự Hội nghị có Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười, các đại diện Bộ, ngành, tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, lãnh đạo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cùng hơn 400 đại biểu là đại diện Lãnh đạo, cán bộ quản lý chủ chốt đến từ 82 đơn vị cảng thành viên, đại diện các Hiệp hội, các bên liên quan trong cộng đồng ngành Hàng hải cũng như khai thác cảng…

Quang cảnh và một số hình ảnh tại Hội nghị

Hội nghị lần này là diễn đàn để trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp về các vấn đề chính trong hoạt động của các cảng hiện nay như:  điều chỉnh giá dịch vụ cảng biển cho sát hợp với quy mô đầu tư và nhu cầu phát triển của từng loại cảng biển; giảm nhanh mức độ bao cấp cho vận tải nội địa và quốc tế; tiệm cận nhanh với mức giá bình quân của khu vực, hiện còn quá chênh lệch bất lợi cho tiềm năng phát triển để cạnh tranh của toàn khối cảng biển Việt Nam và cũng là điều kiện thiết yếu để thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng cảng biển.

Bên cạnh đó, cần khắc phục nhanh tình trạng khó khăn hiện có, tạo điều kiện thuận lợi cho cảng biển nạo vét, duy tu độ sâu trước bến theo nhu cầu bảo đảm an toàn hàng hải của hệ thống cảng biển quốc gia. Xem xét nhu cầu nạo vét duy tu độ sâu trước bến cảng. Ưu tiên đầu tư cho luồng lạch, giao thông kết nối cảng biển, kể cả đường sắt, đường sông. Nhanh chóng hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết cho các nhóm cảng biển; có đủ cơ chế đổi mới phát triển cảng biển quy mô vùng miền, có tổ chức đầu mối chịu trách nhiệm về hiệu quả tổng thể, điều tiết thị trường có yếu tố nước ngoài cạnh tranh minh bạch, lành mạnh hơn để tổ chức thực hiện thành công quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo mục tiêu đề ra trong quy hoạch đến năm 2030.

Đoàn đại biểu của Công ty đã trực tiếp thăm quan, học tập kinh nghiệm cũng như trao đổi kiến thức về nhiều lĩnh vực liên quan đến cảng biển giai đoạn hiện tại, các giải pháp, hình thức áp dụng khoa học kỹ thuật vào quản lý và phát triển cảng biển tại Công ty.

7/10 249 bài đánh giá