Đăng lúc 10:36:44 ngày 16/07/2024 | Lượt xem 576 | Cỡ chữ
Cảng Cẩm Phả (tên gọi trước kia là Cảng Cửa Ông) được xây dựng vào năm 1894 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1924 nhằm phục vụ nhu cầu sàng rửa và tiêu thụ than ở vùng này. Cảng Cẩm Phả là một trong những công trình lâu đời nhất tại vùng đất Cửa Ông gắn liền với lịch sử đấu tranh hào hùng của giai cấp công nhân mỏ và sự phát triển của ngành than. Trải qua gần 100 năm cùng với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, Cảng Cẩm Phả vẫn hiên ngang giữa biển trời Đông Bắc, là minh chứng cho truyền thống kỷ luật và đồng tâm của công nhân mỏ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Lịch sử phát triển của cảng Cẩm Phả gắn liền với sự ra đời của mỏ than Bắc Kỳ với phạm vi khai thác lúc bấy giờ kéo dài từ bến phà Bãi Cháy đến Mông Dương. Thời gian đầu thực dân Pháp chỉ xây dựng cảng Hòn Gai nên khai thác ở khu vực Cẩm Phả phải chuyên chở về Hòn Gai để sàng rửa và xuất khẩu. Càng về sau sản lượng than ở Cẩm Phả càng tăng, yêu cầu tiêu thụ than càng lớn. Do đó, người Pháp đã tiến hành xây dựng cảng Cửa Ông, nay là cảng Cẩm Phả nhằm tiêu thụ than ở vùng này. Cảng Cửa Ông được xây dựng trong 30 năm từ năm 1894 đến năm 1924.
Xây dựng mặt bằng khu tập kết than của cảng Cửa Ông năm 1924
Cảng có chiều dài 300m được xây dựng theo kết cấu khối xếp trọng lực cùng một lúc có thể rót cho 2 tàu trọng tải 10.000 tấn. Ngày 22/4/1955, thực dân Pháp rút khỏi Cửa Ông, cảng lúc này do Xí nghiệp bến Cửa Ông khai thác cầu bến, từ đó đến nay cảng đã trải qua nhiều lần cải tạo và nhiều đơn vị quản lý khác nhau. Từ năm 1989, nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn phục vụ tốt yêu cầu và tăng tính chủ động trong tiêu thụ than, Hội đồng Bộ trưởng nay là Chính phủ đã kết luận cảng Cẩm Phả là cảng chuyên dùng của ngành than và chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải giao cho Công ty Than Cẩm Phả thuộc Bộ Năng lượng quản lý. Ngày 2 tháng 4 năm 1990, liên Bộ GTVT và Năng Lượng đã Ban hành quyết định số 508/LBGTVT-NL v/v “Quản lý cảng Cẩm Phả” cụ thể như sau: “Cảng Cẩm Phả thuộc Công ty than Cẩm Phả - Bộ năng lượng là cảng chuyên dùng nhằm đáp ứng, phục vụ nhu cầu cung ứng than trong nước và xuất khẩu than. Cảng Cẩm Phả trực tiếp kinh doanh than thông qua cảng, quản lý khai thác cảng và tuyến luồng từ phao số 0 – Soi Đèn đến cầu cảng. Việc quản lý và khai thác cảng Cẩm Phả ngoài công tác điều hành tàu ra, vào cảng còn bao gồm: Đầu tư sửa chữa, nâng cấp xây dựng cầu bến, nạo vét luồng, cải tạo hệ thống báo hiệu hàng hải và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong vùng nước cảng”. Đứng trước yêu cầu đó, Công ty than Cẩm Phả phải có một đơn vị đứng ra chuyên trách nhận bàn giao với Bộ GTVT về cảng Cửa Ông, hệ thống luồng lạch dài 17 hải lý và hệ thống báo hiệu hàng hải từ cảng tới phao số “0”. Quản lý và khai thác cảng thu hồi vốn để tiếp tục đầu tư, nâng cấp cải tạo cảng, đồng thời cũng là đầu mối tiêu thụ với khách hàng trong nước và nước ngoài, bán than thu tiền nhanh, tập trung tài chính về Công ty, quản lý kho than, hàng ngày báo cáo về Công ty tình hình nhập, xuất, tồn kho, tiến độ bốc rót tiêu thụ than một cách nhanh chóng, chính xác, trung thực giúp Giám đốc Công ty ra các quyết định chỉ đạo sản xuất và điều hành tài chính sát với thực tế; mặt khác khi có tàu lớn vào nhận than cần phải chuyển tải, phải có đơn vị chuyên lo tổ chức, chắp mối ký hợp đồng thuê vận chuyển, bốc xếp.
Căn cứ tình hình thực tế, trên cơ sở đề nghị của Công ty Than Cẩm Phả, Bộ Năng lượng đã ban hành Quyết định số 178 NL/TCCB-LĐ ngày 13 tháng 4 năm 1990 về việc thành lập “Xí nghiệp cảng và kinh doanh than”, tiền thân của Công ty kho vận và cảng Cẩm Phả hiện nay và được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác cảng Cẩm Phả và luồng tàu. Kể từ khi được giao tiếp nhận quản lý trực tiếp cảng Cẩm Phả thì Xí nghiệp cảng và kinh doanh than nay là Công ty kho vận và cảng Cẩm Phả - Vinacomin trực thuộc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã thực hiện đầu tư cải tạo mở rộng rất nhiều. Trong đó, chia làm ba giai đoạn chính: Giai đoạn thứ nhất kéo dài từ khi tiếp nhận năm 1990 cho đến năm 1995, đây là cái giai đoạn năm năm đầu đầu tư cải tạo để đảm bảo an toàn hiện trạng khai thác cảng. Giai đoạn thứ 2 là giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2000, đây là cái giai đoạn mà đầu tư cải tạo nâng cấp sửa chữa bến chính, nạo vét duy tu tuyến luồng và đầu tư hệ thống báo hiệu cũng như cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là giai đoạn thứ ba từ năm 2000 cho đến năm 2005, cảng Cẩm Phả đã được đầu tư cải tạo mở rộng thêm cầu bến số 2 dài 250m nâng tổng chiều dài hai bến của cảng Cẩm Phả lên thành 550m và có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 70.000 DWT.
Công trình nối dài thêm cầu bến số 2 cầu cảng Cẩm Phả năm 2005
Công tác cải tạo đã mang lại những bước chuyển mình ngoạn mục cho cảng Cẩm Phả trong hành trình xây dựng và phát triển. Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả - Vinacomin luôn dành sự quan tâm mũi nhọn để tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng cảng theo hướng hiện đại, chú trọng áp dụng khoa học công nghệ vào tất cả các khâu sản xuất để nâng cao năng suất và hiệu quả. Cảng Cẩm Phả hiện nay đã được đầu tư trở thành cảng chuyên dụng hiện đại có năng lực đáp ứng những con tàu có trọng tải lớn trong nước và quốc tế vào hoạt động.
Cảng Cẩm Phả
Trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả đã nâng cấp toàn bộ hệ thống về quản lý, đầu tư công nghệ hiện đại vào cảng Cẩm Phả. Trong chiến lược phát triển của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), cảng Cẩm Phả đóng vai trò quan trọng, là cảng chuyên dụng chủ lực trong chiến lược xuất nhập khẩu than với vị trí và vai trò đã được xác định. Với sự nỗ lực của tập thể cán bộ công nhân Công ty kho vận và cảng Cẩm Phả trong thời gian tới, cảng Cẩm Phả sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng trở thành một cảng biển hiện đại tiếp tục đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ than của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế biển Quảng Ninh cũng như vùng Đông Bắc Bộ.
Các tin mới hơn:
Các tin cũ hơn: