45 năm thực hiện di chúc Bác Hồ và những giá trị còn mãi với thời gian

Đăng lúc 19:31:08 ngày 01/09/2024 | Lượt xem 283 | Cỡ chữ

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1969, có đề ngày 10/5 gồm 4 trang in khổ 14,5x22 cm. Trong lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn, khi đó là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc lời điếu và công bố Di chúc của Người.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố một phần sau khi chủ tịch qua đời. Văn bản đầu tiên được viết trong 5 ngày kết thúc vào ngày 15 tháng 5 năm 1965, dài 3 trang có cả chữ ký người chứng kiến của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn. Năm 1968, ông viết tay bổ sung thêm 6 trang. Trong đó, Người viết lại đoạn mở đầu, đoạn nói về việc riêng đã viết trong bản 1965 và thêm một số đoạn. Ngày 10 tháng 5 năm 1969, ông viết lại toàn bộ đoạn mở đầu di chúc gồm một trang viết tay.

Sau khi Chủ tịch qua đời, Hội nghị bất thường của BCH Trung ương Đảng (khóa 3) chiều ngày 3 tháng 9 năm 1969 đã giao Bộ Chính trị trách nhiệm công bố di chúc của Hồ Chí Minh. Bản công bố chính thức chủ yếu dựa vào bản 1965, trong đó đoạn mở đầu lấy nguyên văn bản 1969. Phần giữa, từ đoạn nói về Đảng đến hết đoạn nói về phong trào cộng sản thế giới giữ nguyên văn bản 1965.

Sau 20 năm ngày mất và cũng để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI cho thông báo về ngày mất chính xác và toàn di chúc của ông. Thông tin được công bố trong thông báo của Bộ Chính trị số 151 ngày 19/8/1989.

Toàn bộ các văn bản gốc Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ ngày 10 tháng 5 năm 1965 đến ngày 19 tháng 5 năm 1969 đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2012 (đợt 1), các văn bản hiện được lưu giữ tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

Nội dung cốt lõi của Di chúc: Người "nhấn mạnh truyền thống đoàn kết" trong Đảng; yêu cầu "thực hành dân chủ" rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh "tự phê bình và phê bình"; mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần "đạo đức cách mạng", giữ gìn Đảng thật "trong sạch", nhấn mạnh vai trò của thanh niên trong "sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"; khẳng định đây là "đội hậu bị của Đảng", là người chủ tương lai của đất nước; yêu cầu Đảng phải chăm lo "bồi dưỡng đạo đức cách mạng" cho họ.

Hồ Chủ tịch cũng viết rằng nhân dân lao động "bao đời chịu đựng gian khổ", bao nhiêu năm "bị nhiều áp bức bóc lột bởi phong kiến thực dân". Ông ca ngợi nhân dân Việt Nam rất "anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù", "luôn đi theo và rất trung thành với Đảng". Đảng phải có kế hoạch tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Nói lên mong muốn cuối cùng trước lúc mất là mong muốn toàn Đảng, toàn dân Việt Nam "đoàn kết phấn đấu", "xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh", "góp phần xứng đáng" vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vĩnh viễn đi xa, nhưng những giá trị tinh thần, những lời răn dạy, tấm gương sáng về đạo đức, trí tuệ, tư tưởng của Người vẫn còn mãi, trường tồn cùng thời gian. Tập thể cán bộ, đảng viên, người lao động Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả quyết tâm sống, học tập, làm việc noi theo gương của Bác, phát huy truyền thống Kỷ luật và đồng tâm của người thợ mỏ, đoàn kết một lòng, kiên định lý tưởng, tuyệt đối tuân thủ điều lệ, chủ trương của Đảng, theo quy định của Pháp luật, bằng những mục tiêu, kế hoạch hành động cụ thể ngắn, trung và dài hạn. Để những lời răn dạy của Người trong di chúc luôn là kim chỉ nam dẫn đường, soi lối trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trong suốt những năm tháng tiếp theo./.

9/10 94 bài đánh giá